Bổ sung kiến thức làm cha mẹ để giáo dục con tốt nhất
Có những thứ bạn cần phải học nữa, học mãi mà vẫn không bao giờ hết được. Đó là những kiến thức làm cha mẹ. Để trở thành cha mẹ tốt, không thể dựa vào bản năng của mỗi người, mà tất cả đều phải trải qua quá trình học. Chúng ta cần trang bị cho bản thân mình rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm để dìu dắt con vào bến đỗ tương lai. Chính vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc cho công cuộc làm cha mẹ của mình. Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây.
Làm cha mẹ là công việc phải học cả đời
1. Yêu thương con cái
Để giúp cho con bạn cảm nhận được tình cảm và lòng yêu thương, bạn đừng bao giờ xem thường những cách thể hiện yêu thương cho trẻ. Có thể bạn nghĩ là không cần thiết vì con vẫn sẽ mãi là con của mình. Thế nhưng chúng lại có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tâm sinh lí của trẻ.
Một cái âu yếm nhẹ nhàng, hay một câu nói “Mẹ yêu con” cũng làm trẻ cảm thấy phấn khích. Có những đứa trẻ luôn tò mò muốn biết cha mẹ có yêu thương mình không? Yêu thương nhiều như thế nào? Chúng thường tự hỏi bản thân như thế. Khi bạn trao cho con những cái ôm hoặc hôn cũng đang tạo cho trẻ sự yên tâm về tình thương mà cha mẹ dành cho con cái.
Yêu thương con vô điều kiện là dù con có như thế nào đi nữa bạn vẫn sẽ yêu con. Trẻ không nhất định phải thành công thì mới có được tình cảm của cha mẹ.
Bạn đừng nên tiếc những lời khen dành cho con cái. Khen và chê là hai yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bạn nên để cho con cảm thấy tự hào mỗi khi chúng làm được điều gì đó tốt đẹp. Nếu bạn không bao giờ khen ngợi mà chỉ toàn chê trách con đủ thứ. Điều này sẽ khiến con bạn trở nên thiếu sự tự tin và độc lập trong tương lai. Bạn nên khen đúng lúc, đúng chỗ và khen có căn cứ. Không nên khen trẻ khi không có lí do sẽ khiến trẻ cảm thấy ngỡ ngàng và không ý thức được việc mình đã làm.
Tuyệt đối tránh trường hợp so sánh con của mình với những bạn bè khác. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Chúng có những sở thích, khát khao và ước mơ riêng của chính mình. Nếu con thất bại thì đây cũng là điều dễ hiểu trong cuộc sống. Bạn không nên trách móc hay khó chịu với trẻ. Sau mỗi lần thất bại trẻ sẽ rút ra cho bản thân được những bài học quý báu. Thay vì bạn cứ muốn con mình phải được như bạn bè, như các anh chị khác. Thì hãy để con bạn có thể sống theo cách riêng mà chúng muốn. Nếu bạn cứ so sánh con mỗi ngày sẽ khiến trẻ tự ti, cảm thấy mình không bằng với những bạn bè khác. Trẻ sẽ đâm ra buồn bã và chán ghét bản thân.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, có những ước mơ riêng
Lắng nghe con cái cũng chính là lắng nghe bản thân mình. Bạn nên dành một khoảng thời gian và cùng nhau trò chuyện cởi mở, tâm sự với trẻ. Thời gian thích hợp có thể là trước khi đi ngủ, lúc ăn sáng hay lúc dắt con đi dạo công viên. Trong giai đoạn này bạn hãy tập trung nói chuyện với con, tránh xa điện thoại và những thứ khác không cần thiết. Điều này giúp bạn và con có thể hiểu được nhau nhiều hơn.
Xem thêm: Khóa học làm cha mẹ vui vẻ bạn không nên bỏ qua
2. Tạo cho bản thân tính kỉ luật tốt
Đặt ra những quy định hợp lí cho con: bạn không nên tạo ra những quy luật quá khắt khe hay áp đặt lên chúng. Những quy tắc mà bạn đặt ra phù hợp và được con cái chấp nhận thì bạn trẻ sẽ tự nguyện thực hiện theo điều lệ đó. Những nguyên tắc hợp lí và chính xác sẽ giúp con có một cuộc sống vui vẻ và hữu ích hơn rất nhiều.
Bạn nên cố gắng kiểm soát cảm xúc hay những cơn nóng giận của bản thân. Bạn phải thật bình tĩnh và giải thích cho trẻ hiểu về những hậu quả có thể xảy ra. Nếu bạn có lỡ buông những lời khó chịu với con thì sau đó bạn hãy nói xin lỗi trẻ. Để trẻ biết rằng bạn đã biết những lỗi lầm và đã sửa chữa. Nếu cứ im lặng và cho qua thì trẻ sẽ bắt chước theo bạn mà làm y như vậy.
Bạn nên luôn luôn thực hiện những quy định một cách nghiêm túc. Nếu trẻ tái phạm thì sẽ bị phạt, không nên tạo ra những ngoại lệ. Nếu bạn thường bỏ qua cho con những quy tắc trước đó thì bạn sẽ lại mất thêm một khoảng thời gian rất lâu nữa để tạo được những nhất quán cho trẻ. Sau mỗi lần quy định bị phá bỏ, chúng sẽ nhận thấy rằng chẳng có gì là tuyệt đối cả. Trẻ sẽ xem thường những nguyên tắc đó và tiếp tục tái phạm vào những lần sau.
Hai vợ chồng luôn có những ý kiến và thống nhất quan điểm với nhau: giáo dục con không phải tự một phía mà cần có sự đồng lòng của cả bố và mẹ. Bạn cần trao đổi với nhau trước đó về “có” hay “không” một sự việc. Tránh trường hợp hai bạn có những ý kiến trái chiều và tranh cãi nhau trước mặt con. Điều này hoàn toàn không tốt và không nên xảy ra trước mặt trẻ. Thậm chí, trẻ sẽ bắt chước cãi nhau với người khác khi thấy hai vợ chồng bạn như vậy. Bạn nên tranh luận khi trẻ đang ngủ hay những nơi không có sự hiện diện của bé.
Hãy dành thời gian chơi và dạy con những điều thú vị trong cuộc sống
Bạn nên thận trọng trong việc phê bình những hành vi của con cái. Bạn không nên nhầm lẫn với việc chê trách chính con người của con. Bạn cần nhẹ nhàng khuyên bảo trẻ, tránh dùng những lời lẽ trách móc hay nặng nề. Khi có đông người bạn nên khéo léo đưa con qua một chỗ kín đáo và dạy trẻ. Tránh trường hợp làm trẻ mất mặt trước đám đông.
Xem thêm: 8 bài học về cách làm cha mẹ tích cực khi nuôi dạy con
3. Định hình tính cách cho con cái
Dạy cho con tính tự lập chính là giúp con tự bước đi trên đôi chân của chính mình. Dù có sự giúp đỡ của người khác đi nữa thì mọi chuyện cũng vẫn diễn ra như thế. Bạn cần dạy cho con biết nhận định đúng, sai ngay từ khi con nhỏ. Thay vì nghe theo ý kiến của người khác.
Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái. Trẻ nhỏ có khả năng bắt chước và hành động theo như những gì mà bạn làm. Do đó, nếu muốn trẻ cư xử tốt thì bạn phải là tấm gương tốt. Bạn không nên đưa ra những quy tắc hay chuẩn mực nhất định và bắt con phải thực hiện theo y khuôn đó. Bạn có thể không hoàn hảo nhưng hãy cố gắng để nuôi dạy con tốt nhất có thể.
Bạn nên tôn trọng những đứa trẻ bằng cách không xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Bạn hãy đóng vai trò như những người bạn của trẻ. Điều này sẽ giúp chúng có thể cởi mở, tâm sự và chia sẻ với bạn những câu chuyện đang diễn ra xung quanh trẻ.
Hãy để con học cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ
Cho phép con tự trải nghiệm cuộc sống của chính mình cũng chính là cách mà cha mẹ yêu thương con. Bạn không thể ở bên con cả đời, không thể lúc nào cũng ở bên chúng để quyết định. Trẻ cần phải học được cách sống từ những lựa chọn của chính mình.
Bài viết trên đây có lẽ phần nào đã giúp bạn bổ sung thêm vào bản thân những kiến thức làm cha mẹ. Việc nuôi dạy con cái là bổn phận và trách nhiệm cả đời. Điều đó có nghĩa bạn sẽ phải nỗ lực và không ngừng cố gắng nhiều hơn nữa. Mong rằng qua đây bạn đã có thể hiểu được tâm lí trẻ và học cách nuôi dạy con thành những người thành đạt, công dân tốt. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết.