Mọi người có thắc mắc vì sao bây giờ đi đâu cũng nghe nói về Giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ không (Social-Emotional Learning – SEL) ?  Thế hệ chúng ta, lứa PH 8x-9x hồi xưa chỉ có học Giáo dục công dân, chứ làm gì có môn Giáo dục cảm xúc? Vì sao giờ đây đâu đâu cũng SEL với cả CASEL?

 

Từ góc nhìn cá nhân, mình thường nghĩ về 4 lí do dưới đây để lí giải vì sao chúng ta cần thật sự bồi đắp SEL cho những đứa trẻ thế hệ Alpha ngày nay.

Có rất nhiều nguyên nhân cần giáo dục cảm xúc xã hội cho con
Có rất nhiều nguyên nhân cần giáo dục cảm xúc xã hội cho con
Xem thêm: Thế hệ con cái của chúng ta

Giáo dục cảm xúc xã hội cho Trẻ trong bối cảnh xã hội không còn nhiều free-play

Giờ đây trẻ con không còn nhiều cơ hội được Free-play thoải mái như chúng ta ngày xưa. Mình nhớ hồi còn học cấp 1, cứ sớm chiều làm bài tập xong là tung cánh ra vỉa hè chơi với hàng xóm đến tối mịt mới về ăn cơm, thường là lũ trẻ tự chơi tự chịu với nhau ít có sự can thiệp của người lớn.

 

Bối cảnh xã hội ngày nay có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn, và việc vui chơi free-play của những đứa trẻ hàng xóm giờ đây cũng hạn chế hơn xưa nhiều. Nhưng chính những buổi free-play này là cơ hội để những đứa trẻ luyện các kỹ năng thương lượng, giải quyết mâu thuẫn, giải quyết vấn đề, và quản lý cảm xúc (thông qua các hình thức ăn gian, bo xì, chia bè phái, hẹn nhau tù xì để về chung đội…). Trẻ nhỏ học hỏi và hấp thu tốt nhất khi vui chơi, nên hồi xưa mình đã được học SEL miễn phí trên vỉa hè như vậy đó.

 

Xã hội hiện đại có rất nhiều sự thay đổi
Xã hội hiện đại có rất nhiều sự thay đổi

Đồ chơi thông minh vs. Đồ chơi … “vô tri”

Có một sự thật hơi phũ phàng là những món đồ chơi “thông minh” (là nxs gắn mác thế) chạy pin, nhiều đèn nhiều nút bấm nhiều chức năng và nhiều âm thanh, lại chẳng thể giúp trẻ nhỏ phát huy được nhiều các kỹ năng mềm và kỹ năng sáng tạo, giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo. Những món đồ này phần lớn đều được lập trình trước, và trẻ không phải làm gì nhiều ngoài việc bấm nút, còn lại là pin và điện tử làm hết.

 

Ngược lại, những món đồ chơi “vô tri” là những món đồ tự thân nó chẳng có nút gì để bấm để “biểu diễn” được gì – và chính trẻ phải là người vận hành theo trí tưởng tượng của trẻ. Trăm hay không bằng tay quen, càng chơi tưởng tượng càng bày trò nhiều với cùng 1 vật dụng, mình tin đó là tiền đề để trẻ sẽ phát triển được suy nghĩ mở, óc sáng tạo và khả năng tư duy đa chiều để giải quyết vấn đề.

 

Thiết bị điện tử & Giao tiếp 1 chiều

Ngày xưa, khi còn là những đứa trẻ, chúng ta hẳn chẳng có iPhone iPad để xem, nên thường chúng ta phải xem … mọi người xung quanh. Ngày xưa, bố mẹ chúng ta cũng chẳng có thiết bị để xem, nên họ thường phải giao tiếp trực diện với nhau. Vì thế, ngày xưa chúng ta có sẵn những tấm gương người thật việc thật để học, bắt chước, và thực hành nhiều giao tiếp 2 chiều, giữa người với người.

 

Ngày nay, thì ngược lại với ngày xưa đó. Chúng ta đã phải dành khá nhiều thời gian cho điện thoại rồi, nếu con cũng xem thiết bị nhiều, thì lấy ai làm gương và luyện tập giao tiếp cho con có thể làm theo được? Tất cả mọi kỹ năng đều cần được luyện tập thì mới thuần thục được, kể cả kỹ năng xã hội – cảm xúc và giao tiếp.

 

Giáo dục cảm xúc xã hội cho trẻ trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách đã ảnh hưởng gì?

Cơn đại dịch đã qua đã khiến chúng ta và những đứa trẻ phải giãn cách xã hội khoảng 1 năm trời. Hãy nghĩ thử xem, 1 năm giãn cách trong 30 năm cuộc đời của chúng ta, chỉ là 1/30. Nhưng, 1 năm giãn cách với 1 đứa trẻ 4-6 tuổi, là cả 1/4 tới 1/6 cuộc đời của con rồi – một cách tương đối.

 

Nếu nghĩ về tốc độ phát triển kỹ năng của trẻ, chỉ trong một vài tuần và 1 vài tháng, những đứa trẻ trong điều kiện ổn định có thể học hỏi và phát triển vượt bậc như thế nào. Dù là bất khả kháng, cũng cần nhìn thấy rằng 1 năm đó các con đã mất đi bao nhiêu cơ hội được luyện tập SEL.

Tốc độ phát triển cảm xúc của con rất nhanh
Tốc độ phát triển cảm xúc của con rất nhanh

Vậy, trong bối cảnh hiện tại, rõ ràng khi các con “thiếu thốn”, thì chúng ta cần chủ động bồi đắp, để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho con, cả ở thể chất, trí tuệ, lẫn kỹ năng cảm xúc – xã hội. Trong môi trường giáo dục phổ thông hiện giờ, có thể tạm yên tâm về lượng kiến thức, nhưng liệu có đủ để giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc không? Nếu cảm thấy chưa đủ, mình nghĩ phụ huynh có thể cân nhắc lồng ghép SEL vào các hoạt động ngoại khoá và vui chơi của con ngoài giờ học chính khoá.

 

Ví dụ, đối với mình, việc cho con đi học thêm tiếng Anh giờ đây không chỉ là có kỹ năng tiếng Anh giỏi: nói lưu loát, phát âm chuẩn, đúng ngữ pháp… (đó là thời của 8x-9x chúng ta thôi). Tiếng Anh, giờ đây chỉ là công cụ. “Thông qua công cụ ngôn ngữ tiếng Anh này, con tôi có thể trau dồi thêm được nội dung – kỹ năng gì nữa?” – ba mẹ hãy dùng câu hỏi này để đánh giá các chương trình ngoại khoá cho con, để xem có mang lại được góc nhìn mới mẻ nào không nhé!

 

Nếu phụ huynh muốn biết thêm gì về SEL thì comment cho mình để mình biên tiếp một bài nữa nha.

Tu-Anh Nguyen (M.A. Psych)

Ncs Tiến sĩ Tâm lý Nhi

Parent-Child Counselor

Parent Educator from Happy Parenting

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRIPLE P

  • TRIPLE P – Positive Parenting Programs: Hệ thống các chương trình can thiệp được sáng lập bởi TS. Tâm lý Matt Sanders, đại học Queensland (Úc), được Liên Hiệp Quốc bình chọn là 1 trong những chương trình điều chỉnh hành vi cha mẹ – con cái hiệu quả nhất.
  • Cô Tú Anh là nhà thực hành được chứng nhận từ Triple P (Accredited Triple P Provider) ở tất cả các Level 2, 3, 4, 5, cung cấp các chương trình can thiệp dành cho cha mẹ từ giai đoạn mang thai cho đến con ở tuổi Teen; giải quyết các vấn đề rối nhiễu ở hành vi của trẻ, kỷ luật hiệu quả, hỗ trợ trẻ có rối loạn lo âu, rối loạn phát triển và các vấn đề khi cha mẹ mâu thuẫn – chia tay. Các chương trình thường kéo dài từ 4-8 buổi.
facebook-icon