Việc can thiệp sớm cho trẻ có Rối loạn Phổ Tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) đã được chứng minh là mang lại lợi ích lâu dài cho trẻ và gia đình. Tuy nhiên, việc can thiệp ở thời điểm nào là sớm và phương pháp nào là hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Can thiệp sớm là gì?
Can thiệp sớm là sử dụng các phương pháp can thiệp để hỗ trợ cho trẻ có rối loạn phát triển, cụ thể là trẻ có rối loạn phổ tự kỷ ở giai đoạn khi trẻ được 2 đến 3 tuổi. Ở giai đoạn này, não bộ của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển, nên có thể dễ dàng uốn nắn và chỉnh sửa hơn so với khi trẻ lớn hơn. Do đó, nếu được can thiệp sớm kịp thời một cách bài bản và khoa học, trẻ tự kỷ có thể đạt được nhiều kỹ năng như giao tiếp, hòa nhập xã hội, và cải thiện khả năng học tập trong tương lai.
Khoa học đã chứng minh rằng can thiệp sớm có thể giúp trẻ tự kỷ đạt được sự tiến bộ tối ưu. Thậm chí một số trẻ có thể mất đi những triệu chứng của phổ tự kỷ khi đến tuổi dậy thì hoặc độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý rằng những trẻ tự kỷ nằm trong nhóm này đều có những đặc điểm sau:
- Trẻ tự kỷ được chẩn đoán và can thiệp sớm (ở độ tuổi 2-3 tuổi)
- Trẻ tự kỷ sở hữu chỉ số IQ cao hơn mức trung bình đối với trẻ tự kỷ
- Trẻ tự kỷ có kỹ năng ngôn ngữ và vận động tốt hơn những trẻ còn lại
Do đó, việc cha mẹ tự chủ động theo dõi mốc phát triển, đưa con đi đánh giá/ sàng lọc sớm và lên kế hoạch can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng để mang lại cho con những hiệu quả tối ưu nhất.
Xem thêm: Các Mốc Phát triển của trẻ theo độ tuổi
Xem thêm: Các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ
2. Các phương pháp can thiệp có bằng chứng khoa học
2.1 DIR Floortime (Thời gian Chơi dưới sàn)
DIR/Floortime (Thời gian chơi dưới sàn) là phương pháp can thiệp được phát triển bởi bác sĩ tâm thần nhi Stanley Greenspan dựa trên mô hình Phát triển – Khác biệt Cá nhân – Các Mối quan hệ (Developmental, Individual Differences, Relationship-based – DIR).
Đây là một trong những phương pháp can thiệp Rối loạn Phổ tự kỷ được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới bên cạnh phương pháp Can thiệp Hành vi ABA. Phương pháp can thiệp này tập trung vào:
- Xây dựng mối quan hệ thông qua các hoạt động chơi tự do, giúp tạo sự kết nối giữa trẻ và cha mẹ.
- Giúp trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng như cảm xúc, ngôn ngữ và khả năng giải quyết vấn đề.
- Tăng cường tương tác xã hội có chủ đích, giúp trẻ tham gia và đáp ứng trong các tình huống thực tế.
2.2 Play Project Intervention (Can thiệp Chơi)
The PLAY Project là chương trình can thiệp sớm dựa trên mô hình DIR của bác sĩ Stanley Greenspan. Đây là chương trình tập huấn cho cha mẹ có con mắc rối loạn phổ tự kỷ. Ở chương trình này, cha mẹ được chuyên gia tâm lý hướng dẫn cách ứng dụng phương pháp DIR/Floortime trong môi trường gia đình, hay nói cách khác là chủ động can thiệp chơi cho con tại nhà.
Trong một nghiên cứu thực hiện trên 68 trẻ có rối loạn phổ tự kỷ đã hoàn thành chương trình Can thiệp Chơi trong vòng 8-12 tháng, các chuyên gia nhận thấy 45.5% trẻ tham gia đã đạt tiến bộ tốt đến rất tốt về phát triển chức năng (dựa trên thang điểm FEDC).
Những lợi ích nổi bật của Can thiệp Chơi:
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp và cảm xúc: cha mẹ và trẻ cùng tham gia vào các hoạt động chơi tự nhiên, tăng cường sự kết nối và khả năng tương tác xã hội.
- Tăng cường vai trò của cha mẹ: cha mẹ được trao quyền và có thêm kiến thức chuyên sâu về tình trạng Rối loạn Phát triển của con.
- Tiết kiệm chi phí: Can thiệp Chơi một chương trình cha mẹ có thể tự triển khai và can thiệp cho con ở nhà dưới sự đồng hành và hướng dẫn của cô tâm lý gia mà không cần có giáo viên đặc biệt hoặc can thiệp viên. Do đó, phương pháp này giúp gia đình tiết kiệm hơn so với các phương pháp khác.
3. Điểm giống nhau giữa phương pháp DIR Floortime và Play Project
Cả hai phương pháp DIR Floortime và Play Project đều dựa trên mô hình DIR của bác sĩ Stanley Greenspan, tập trung 3 trụ cột: Phát triển – Khác biệt Cá nhân – Các Mối quan hệ.
Cả hai phương pháp đều nâng cao vai trò và sự tham gia của cha mẹ trong quá trình can thiệp Chơi cùng con, giúp gia đình tạo ra môi trường hỗ trợ tự nhiên ngay tại nhà cho con.
Ngoài ra, cả DIR Floortime và Play Project đều sử dụng các hoạt động chơi tự nhiên để tạo sự kết nối giữa trẻ và người lớn, đồng thời kích thích phát triển các kỹ năng quan trọng.
4. Trẻ tự kỷ nên chọn phương pháp can thiệp nào?
Đối với trẻ có Rối loạn Phổ tự kỷ, cha mẹ không nhất thiết phải giới hạn con vào duy nhất chỉ một phương pháp can thiệp. Trên thực tế, trẻ tự kỷ có thể hưởng lợi ích từ việc kết hợp nhiều phương pháp can thiệp khác nhau, tùy thuộc vào cá nhân từng trẻ. Do đó, kế hoạch can thiệp nên được cá nhân hoá để tạo ra một lịch trình toàn diện, đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của con mà không tạo thêm áp lực cho con.
Xem thêm: Hướng điều trị cho trẻ tự kỷ
5. Lên kế hoạch Can thiệp sớm cho con và tập huấn Can thiệp cho cha mẹ
Cả DIR Floortime (Thời gian Chơi dưới sàn) và Play Project (Can thiệp Chơi) đều là những phương pháp can thiệp có bằng chứng khoa học vững mạnh được triển khai tại Phòng Tâm lý Trẻ em và Gia đình Happy Parenting. Cả hai phương pháp đều giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng giao tiếp, cảm xúc và hòa nhập xã hội một cách tự nhiên. Trong đó, sự tham gia của cha mẹ và người chăm sóc là yếu tố then chốt trong việc mang lại sự thay đổi tích cực cho trẻ, đồng thời cũng tạo ra một môi trường hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ.
Để lên kế hoạch can thiệp và tập huấn can thiệp tại nhà cho con, cha mẹ vui lòng đặt hẹn tư vấn miễn phí cùng chuyên gia tâm lý Tú Anh Nguyễn của Happy Parenting.
Xem thêm: Phòng Tâm lý Trẻ em và Gia đình Happy Parenting
Đặt hẹn tư vấn miễn phí cùng chuyên gia Tú Anh Nguyễn tại đây