Chia sẻ này được viết và tổng hợp bởi một người mẹ, là mình, gửi đến những cha mẹ khác đang băn khoăn trước những lựa chọn về các phương pháp tiếp cận khi chọn trường mầm non cho con
Montessori, Waldorf hay Reggio Emilia là 3 trong số những mô hình phổ biến nhất cho giáo dục mầm non hiện nay. Cả ba cái tên này đã phát triển trên phạm vi toàn cầu, với bề dày lịch sử thúc đẩy quyền được giáo dục của trẻ em.
Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách thống nhất với nhau rằng, sẽ không có so sánh hơn thua: Cái này xịn hơn, hay hơn; Cái kia dở hơn, chán hơn. Cá nhân mình nghĩ rằng, khi đã nói đến giáo dục cho trẻ nhỏ, hẳn tất cả những người làm giáo dục chân chính đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm những điều tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, trong khả năng thực tại. Mình xin phép không nhắc đến các cái tên khác ngoài 3 cái tên uy tín trên phạm vi quốc tế trong bài này.
Tiêu chí cốt lõi trong mọi tình huống khi phải đưa ra quyết định, bên cạnh việc bắt buộc phải có kiến thức đúng để hiểu rõ tình huống hiện tại và điều kiện thực tế, hãy xét đến “SỰ PHÙ HỢP”, các mẹ nhé.
Chọn trường mầm non tốt cho con rất quan trọng
Chọn trường mầm non tốt cho con rất quan trọng
Xem thêm: Kinh nghiệm chọn trường mầm non cho con

1. Chọn trường Mầm Non cho con theo Giáo dục của MONTESSORI

– Mô hình giáo dục Montessori được bác sĩ Maria Montessori thiết kế vào những năm 1900 tại Rome, Ý. Maria Montessori vốn là một bác sĩ làm việc với trẻ khuyết tật về tâm lý, sau khi phát minh ra một phương pháp dành cho trẻ đặc biệt, bà đã mở Casa dei Bambini (Ngôi nhà dành cho trẻ em) vào năm 1907 dành cho trẻ 4-7 tuổi trong một dự án nhà ở ở khu ổ chuột nghèo của Rome. Casa dei Bambini là phiên bản đầu tiên của trường mẫu giáo theo Montessori.
– Ý tưởng cốt lõi của phương pháp Montessori là “child-centered; follow the child” Lấy trẻ làm trung tâm, và để trẻ được giữ vai trò tự chủ động trong quá trình học tập theo tốc độ của riêng mình.
Mô hình Montessori đặt trọng tâm vào sự phát triển toàn diện của trẻ, việc học hỏi của trẻ bao gồm sự phát triển ở cả trí tuệ và trái tim, qua sự tương tác của trẻ với các trải nghiệm trong lớp học. Trẻ được tham gia vào việc xây dựng trải nghiệm học tập của chính mình.
Trẻ học bằng cách chơi và khám phá các học cụ được chuẩn bị bởi giáo viên. Giáo trình Montessori thường có các giáo cụ, dụng cụ cụ thể để giúp trẻ được học về các khái niệm toán học, màu sắc, kích thước, học đọc và học viết.
Tuy nhiên, tốc độ học và chủ đề sở thích học hỏi sẽ do tự trẻ quyết định theo ý thích của trẻ. Giáo viên trong lớp học Montessori giữ vai trò là người hỗ trợ hướng dẫn. Giáo viên có trách nhiệm quản lý, kiến tạo môi trường và theo sát quá trình học hỏi của từng trẻ, theo mối quan tâm và tốc độ học riêng biệt của từng cá nhân. Trẻ sẽ học theo cách “con tự phát hiện và tự khám phá ra rằng cái này nó vận hành như vậy đó”, thay vì học theo cách: “Cô chỉ và bảo con làm như vậy, con bắt chước làm theo giống cô và con làm được giống vậy.”
Vì nhìn nhận rằng mỗi trẻ phát triển và học hỏi ở một tốc độ riêng biệt, thông thường trong các trường Montessori, một giáo viên sẽ gắn bó với trẻ trong khoảng ba năm liên tục, và một lớp học thường gồm nhiều trẻ trong nhiều nhóm tuổi học cùng nhau. Trẻ không được phân lớp theo độ tuổi, mà sẽ được nhóm theo khả năng riêng. Trẻ lớn có thể hỗ trợ cho trẻ nhỏ.
Nhấn mạnh vào việc phát triển các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng từ những năm đầu đời, giáo viên Montessori hỗ trợ sự phát triển tương tác của các trẻ trong lớp với nhau, giúp học sinh phát huy tính tự giác và tự chủ, và giáo viên chỉ hỗ trợ khi cần thiết trong trường hợp học sinh xảy ra bất đồng.

MONTESSORI Education - Giáo dục theo Montessori

MONTESSORI Education – Giáo dục theo Montessori

– Những con số không chính thức: có khoảng 8,000 trường Montessori ở Mỹ, khoảng hơn 4,000 các trường này thuộc một trong 2 tổ chức lớn American Montessori Society (Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ) hoặc Association Montessori Internationale (được thành lập năm 1929 bởi bác sĩ Montessori). Trên toàn thế giới ước tính có tổng cộng khoảng 20,000 trường Montessori.
Montessori không phải là một thương hiệu bản quyền, cũng không phải là chuỗi franchise, nên tổ chức giáo dục (trường mầm non) nào cũng có thể tự gọi trường của họ là Montessori, nếu họ muốn.
Một giáo viên Montessori chính thống có chứng chỉ cần được đào tạo kỹ lưỡng và có kinh nghiệm về các nguyên tắc, khái niệm và phương pháp Montessori. Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ cung cấp thông tin về việc trở thành giáo viên Montessori trên website của họ. Chứng chỉ giáo viên Montessori là không bắt buộc, có thể có hoặc không.
– Các bậc cha mẹ có thể chọn trường Montessori với niềm tin và mong đợi con họ sẽ có được các kỹ năng lãnh đạo và tính độc lập. Khi được đặt vào một lớp học có nhiều độ tuổi, trẻ em học cách làm việc yên lặng và độc lập, phát huy tính tự chủ khi trẻ tập trung vào nhiệm vụ của riêng mình.
Với sự tìm hiểu thực địa còn hạn chế của cá nhân mình, tại TP HCM, mình nhận thấy có nhiều trường mầm non Montessori. Trong đó, có vài trường theo đúng các tiêu chuẩn như đã được liệt kê ở trên; cũng có những trường mầm non chuẩn quốc tế (dạy giáo trình nước ngoài) và Montessori là một trong những tiết học trong khung giáo trình của trường. Mình đã từng đến một trường quốc tế và quan sát thấy họ có 1 phòng học Montessori riêng, các lớp khi đến tiết Montessori sẽ di chuyển học sinh đến phòng này để học.

2. Chọn trường Mầm Non cho con theo hướng tiếp cận Reggio Emilia

 Reggio Emilia được sáng lập bởi nhà giáo dục Loris Malaguzzi ở Ý, trong giai đoạn sau Thế chiến thứ hai. Reggio Emilia không được gọi là một phương pháp hay một mô hình giáo dục, mà thường được nhận diện là một cách tiếp cận (approach) hoặc một triết lý giáo dục.
Triết lý giáo dục của Reggio Emilia tập trung vào việc phát triển trẻ thành một công dân tốt cho xã hội. Đây một hướng tiếp cận trong giáo dục sớm đặt sự sáng tạo, tò mò và hợp tác của trẻ em làm cốt lõi. Giáo trình học được sắp xếp theo dự án – “project-based”, với từng chủ đề cụ thể như một hành trình khám phá và kích thích sự học hỏi và mối quan tâm của trẻ.
Reggio cũng lấy trẻ là trung tâm, và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, làm việc cùng với trẻ để tìm hiểu sở thích và ý tưởng của trẻ. Các dự án được xây dựng dựa trên những ý tưởng này, và thường có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng và có nhiều bước ngoặt khác nhau. Bằng cách trao quyền cho trẻ trong quá trình học tập, mục tiêu giáo dục là thúc đẩy tư duy sáng tạo và niềm yêu thích học tập của trẻ.
Các nhà giáo dục Reggio Emilia tin rằng trường học không phải là nơi truyền tải kiến thức. Thay vào đó, môi trường Reggio cho phép đứa trẻ trở thành người kiến tạo ra văn hóa và tri thức. Môi trường không gian đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các trường học theo hướng tiếp cận Reggio Emilia. Môi trường và không gian vật lý được tạo ra để trẻ khám phá như một “loại ngôn ngữ”, giúp cho trẻ phát triển tư duy. Môi trường và không gian được hình dung như một người thầy thứ ba của trẻ.
Vai trò của giáo viên Reggio như một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Nhiệm vụ hàng ngày của một giáo viên Reggio là “document” – ghi chép lại tất cả mọi quan sát về học trò, bằng nhiều hình thức: nhật ký, chụp hình, quay phim, vvv để tạo thành một tập tài liệu báo cáo lại quá trình học của từng học sinh.
Các nhà giáo dục Reggio Emilia tin rằng trường học không chỉ là nơi truyền tải kiến thức
Các nhà giáo dục Reggio Emilia tin rằng trường học không chỉ là nơi truyền tải kiến thức
Thông qua sự quan sát cẩn thận, giáo viên giới thiệu những kích thích học tập dựa trên câu hỏi và sở thích của trẻ. Tài liệu document (ảnh, ghi âm, tác phẩm nghệ thuật, v.v.) giúp cả giáo viên và trẻ ôn lại những gì mà trẻ đã được học.
Hướng tiếp cận Reggio Emilia thường thu hút được sự quan tâm của các phụ huynh có tư tưởng cấp tiến, khác với truyền thống, đề cao sự sáng tạo. Hướng tiếp cận này đề cao sở thích và mối quan tâm cá nhân của từng trẻ. Trẻ được khuyến khích khám phá, tìm tòi và phản ánh lại những điều trẻ tự phát hiện ra trong việc tương tác với môi trường hàng ngày, trong từng dự án học tập.
Vì là một triết lý giáo dục nên các trường Reggio chúng ta thấy hiện nay đều ghi bảng hiệu là “Reggio-inspired”. Không có con số thống kê có bao nhiêu trường “Reggio-inspired” trên toàn thế giới. Cũng không có chứng chỉ nào chính thức đào tạo ra một giáo viên Reggio. Mình được biết chỉ có duy nhất 1 trường mầm non VN ở TPHCM là đối tác độc quyền của tổ chức Reggio Children bên Ý.

3. WALDORF / RUDOLF STEINTER Education

Chương trình giáo dục Waldorf được nhà triết học người Áo Rudolf Steiner khai sinh ra vào năm 1919, tại Stuttgart, Đức.
Khi Reggio Emilia là một cách tiếp cận chỉ áp dụng cho bậc tuổi mầm non – mẫu giáo; Montessori áp dụng cho mầm non – tiểu học; thì Waldorf là chương trình giáo dục được áp dụng từ giai đoạn mầm non đến lớn – có nơi có cả trường Waldorf thay thế cho chương trình truyền thống, áp dụng đến hết lớp 12.
Triết lý giáo dục của Waldorf cũng tương tự như Montessori và Reggio, đó là “child-centered” – lấy trẻ làm trung tâm, và giáo viên là người hướng dẫn. Tuy nhiên, khi Maria Montessori tạo ra các tài liệu và học cụ để học sinh tự “làm việc”, khám phá và học hỏi; Reggio cho trẻ học hỏi theo từng dự án, thì phương pháp Waldorf dựa vào việc học sinh tự phát triển trí tưởng tượng bằng cách để trẻ tự tạo ra các tài liệu của riêng mình, và áp dụng play-based learning – học qua chơi.
Trong triết lý giáo dục Waldorf, trẻ được dành nhiều thời gian chơi ngoài trời, và sẽ có những ngày chỉ dành cho việc nướng bánh hoặc làm vườn. Chương trình giảng dạy Waldorf nhấn mạnh nghệ thuật và sự phát triển trí tưởng tượng của trẻ em. Các môn nghệ thuật được ưu tiên tích hợp rất nhiều vào mỗi bài học trong lớp Waldorf.
Giáo trình Waldorf được xem như một giáo trình mở, nương theo sự phát triển, khả năng và mối quan tâm riêng của từng học trò. Sẽ không có bài kiểm tra hay bài tập về nhà để đánh giá. Giáo dục theo Waldorf dạy trẻ cách để suy nghĩ, chứ không phải nghĩ đến thứ gì và cho trẻ phát triển bản thân như những cá nhân toàn diện với tính tò mò bẩm sinh và sự yêu thích học hỏi.
Tương tự như Montessori, một giáo viên Waldorf sẽ gắn bó với trẻ trong nhiều năm liên tục. Giáo viên Waldorf được yêu cầu phải trải qua huấn luyện theo chương trình riêng và đạt được chứng chỉ.
Phương pháp Waldorf dựa vào việc học sinh tự phát triển trí tưởng tượng bằng cách để trẻ tự tạo ra các tài liệu của riêng mình
Phương pháp Waldorf dựa vào việc học sinh tự phát triển trí tưởng tượng bằng cách để trẻ tự tạo ra các tài liệu của riêng mình
Các giáo viên Waldorf xem giáo dục không phải là một cuộc cạnh tranh giữa các học sinh, mà đó là một cách để học sinh học khi trẻ sẵn sàng. Các giáo viên sử dụng phương pháp tiếp cận ‘Đúng việc vào đúng thời điểm’, cùng với sự quan sát từng học sinh để giới thiệu các khái niệm và kiến thức mới vào thời điểm thích hợp trong quá trình phát triển của trẻ.
Ước tính có tổng cộng khoảng 1,000 trường Waldorf tại 60 quốc gia trên toàn thế giới.
Các bậc cha mẹ chọn trường Waldorf cho con khi họ muốn con phát triển chủ nghĩa cá nhân trong một môi trường hợp tác, sáng tạo, dựa trên nề nếp.

4. TÔI Ở VIỆT NAM, TÔI CHỌN GÌ?

Đây là ý kiến suy nghĩ mang tính cá nhân của mình, các mẹ có thể tham khảo:
– Như chúng ta đã thấy, cả 3 cách tiếp cận giáo dục này đều xuất phát từ Châu Âu, và từ những năm 1900s. Từ những năm ấy đến nay, và từ châu Âu sang châu Á, từ lý thuyết đến thực hành trong xã hội công nghệ hiện đại, chắc chắn việc ứng dụng đúng phương pháp đòi hỏi người làm giáo dục phải thực hành rất nhiều thay đổi và điều chỉnh.
– Mỗi (chủ) trường mầm non sẽ có lựa chọn cách tiếp tận giáo dục riêng cho cơ sở của họ, để phụ huynh cảm nhận được “đường hướng” trải nghiệm giáo dục của con mình trong những năm đầu đời. Khi chọn trường cho con, hãy tìm cơ hội để có thể trò chuyện với người quản lý trường.
Nếu mình là một người mẹ chuẩn bị gửi con đi học, mình sẽ hỏi những điều gì?
– Khi trường chọn phương pháp nào đó, mức độ áp dụng của phương pháp / hướng tiếp cận đó đến mức độ nào? (Toàn bộ chương trình, hay chỉ là một tiết, hay chỉ là “tinh thần” của phương pháp – Và giáo trình còn lại con vẫn học theo chương trình Bộ Giáo dục / chương trình của quốc gia nào khác?). Bản thân mình đã có cơ hội làm việc cùng một vài trường như sau: a. Theo sát Reggio và dạy chương trình bộ GD; b. Theo play-based learning và giáo trình giáo dục mầm non của Úc & New Zealand; c. Theo giáo trình mầm non chuẩn quốc tế kèm theo 1-2 tiết Montessori / tuần.
– Giáo viên hay Quản lý có được đào tạo hay có chứng chỉ của phương pháp đó hay không? – Nếu phương pháp được áp dụng toàn phần. Quan trọng hơn hết, kỹ năng của từng giáo viên trong việc kết nối và “dỗ” trẻ mình cảm nhận ntn?
– Với mình, thật ra không phải là phương pháp nào, mà là việc xây dựng sự gắn kết của con mình với cô giáo và môi trường (Attachment / Bonding). Điều quan trọng nhất mình muốn dành cho con trong những năm đầu đời chính là phát triển Attachment (sự gắn kết) và Sense of belonging (cảm giác thuộc về) – điều này, thì chỉ có thể cảm nhận được khi tiếp xúc trực tiếp và quan sát con trong môi trường và tương tác với người chăm sóc.
– Câu hỏi cuối cùng, hãy hỏi: khi hoàn thành chương trình mẫu giáo này, con tôi sẽ được trang bị đủ khả năng để tiếp tục lên chương trình giáo dục tiểu học nào?
Hi vọng, những chia sẻ này sẽ giúp ích phần nào cho các mẹ còn đang băn khoăn về việc chọn trường mầm non cho các bạn nhỏ. Love

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRIPLE P

  • TRIPLE P – Positive Parenting Programs: Hệ thống các chương trình can thiệp được sáng lập bởi TS. Tâm lý Matt Sanders, đại học Queensland (Úc), được Liên Hiệp Quốc bình chọn là 1 trong những chương trình điều chỉnh hành vi cha mẹ – con cái hiệu quả nhất.
  • Cô Tú Anh là nhà thực hành được chứng nhận từ Triple P (Accredited Triple P Provider) ở tất cả các Level 2, 3, 4, 5, cung cấp các chương trình can thiệp dành cho cha mẹ từ giai đoạn mang thai cho đến con ở tuổi Teen; giải quyết các vấn đề rối nhiễu ở hành vi của trẻ, kỷ luật hiệu quả, hỗ trợ trẻ có rối loạn lo âu, rối loạn phát triển và các vấn đề khi cha mẹ mâu thuẫn – chia tay. Các chương trình thường kéo dài từ 4-8 buổi.
facebook-icon