Cuộc sống tương lai của thế hệ Alpha (2010-2024) là một ẩn số vừa thú vị, vừa gây ra nhiều thách thức khi làm cha mẹ của lứa tuổi Gen Y và Gen Z – những người đang gánh trên vai trọng trách nuôi dạy một thế hệ tinh nhuệ và “công nghệ” nhất mọi thời đại. Vậy, những thách thức nào đang được đặt ra cho chúng ta – cha mẹ của Thế hệ Alpha?
Thách thức khi làm cha mẹ thời hiện đại rất lớn
Thách thức khi làm cha mẹ thời hiện đại rất lớn

1. Những cách học mới và Những nghề nghiệp chưa bao giờ xuất hiện.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (The World Economic Forum) dự đoán 65% trẻ em tiểu học hiện nay, trong tương lai sẽ được tuyển dụng làm những công việc chưa hề tồn tại – chúng ta chưa hề biết đến ngày nay. Diễn đạt 1 cách dễ hiểu cho cha mẹ: “Vậy, thử thách của chúng ta là cần chuẩn bị cho con trẻ học những gì, và học ra sao, để chúng có thể tự nuôi sống bản thân, và không bị đào thải khỏi môi trường lao động khi chúng lớn lên (với những công việc mà hiện tại cha mẹ không hình dung nổi)?”
Thế giới vừa đã đón nhận một “cặp song sinh”: Công nghệ + Đại dịch Covid, nên kể cả việc học hành giờ đây đã thiên biến vạn hóa hơn rất nhiều: học trực tuyến ở bất kỳ quốc gia nào, người học có thể chủ động và lựa chọn kiến thức từ nhiều nguồn đa dạng, các khóa học ngắn hạn với nhiều chủ đề được thiết kế ngắn gọn đúng trọng tâm và nhu cầu người học … Rõ ràng, tiếng Anh giờ đây không còn là một môn học, mà là một công cụ đưa chúng ta và trẻ nhỏ đến với kiến thức gần hơn, cập nhật hơn và thức thời hơn.
Ashley Fell, giám đốc truyền thông McCrindle, miêu tả thế hệ Alpha là “những đứa trẻ thời đại YouTube, những người tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn bằng cách xem video, thay vì là đọc chữ trên văn bản”. Vậy thử nghĩ, nếu trẻ vẫn phải học duy nhất theo cách “truyền thống” như thời xưa bằng cách ngồi xuống – đọc – và viết thì liệu có phù hợp để phát huy mọi tiềm năng của con?
Tóm lại, thách thức đầu tiên của các cha mẹ chính là: “Phải luôn tự mình cập nhật với công nghệ và kiến thức, tự học trước mắt là cho bản thân, và tìm ra những phương pháp thức thời để hỗ trợ con học tập hiệu quả, và giúp con trở nên sẵn sàng cho những điều mới lạ trong tương lai.”

2. Thách thức khi làm cha mẹ thời đại Công nghệ?

Nhiều cha mẹ vẫn đang thoải mái đăng hình ảnh con cái lên các kênh mạng xã hội, nhiều người còn đăng ở chế độ công khai, và chắc chẳng ai có đủ thời gian để học hết các “Điều khoản và Chính sách” mà các tập đoàn sở hữu những nền tảng MXH sẽ sử dụng những gì người dùng đăng tải lên như thế nào.
Chưa kể, với các dịch vụ dự đoán tiềm năng tương lai con trẻ, khách hàng thoải mái cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân ngày tháng năm sinh, mẫu gene hay toàn bộ mẫu vân tay của con cho một bên thứ ba. Với quan điểm cá nhân, mình luôn tự hỏi: “Các tổ chức ấy sẽ làm gì với lượng thông tin dữ liệu cá nhân khổng lồ đó?”
Thời đại công nghệ mới dẫn tới có cách nuôi con khác biệt
Thời đại công nghệ mới dẫn tới có cách nuôi con khác biệt
Về việc kiểm soát: Cha mẹ của những em bé Alpha thời đại hẳn đã dần nhận ra những nguy cơ mà Internet và mạng xã hội có thể xảy ra khi con tiếp xúc quá sớm với những nền tảng này. Vì thế, phụ huynh lại tiếp tục “quay cuồng” tìm cách để kiểm soát những nội dung được trình chiếu, các mối quan hệ của con, với mục đích phòng ngừa các rủi ro không mong muốn. Một câu hỏi lớn hơn được đặt ra là: “Sự riêng tư của những đứa trẻ Alpha được bảo vệ như thế nào?”
Cha mẹ vì muốn đảm bảo an toàn và kiểm soát con hiệu quả, nên cũng sử dụng ngày càng nhiều hơn các thiết bị theo dõi qua mạng di động như camera quan sát kết nối qua wifi, các thiết bị có gắn chip theo dõi vị trí khi di chuyển…
Tuy vậy, nguy cơ khi sử dụng những công nghệ này chính là: việc kẻ xấu xâm nhập và hack vào hệ thống của các thiết bị này có thể lại vô cùng đơn giản. Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu biết được có một kẻ lạ nào đó đang ngày ngày truy cập được vào camera của gia đình mình, hay cũng đang theo dõi được từng bước chân và vị trí hiện tại của con mình trên các thiết bị định vị của con?
Có thể nói, thách thức thứ hai cho các bậc cha mẹ của thế hệ Alpha là: “Làm sao để có thể cân bằng giữa an toàn mạng và bảo vệ sự riêng tư của con trẻ, cũng như của gia đình mình?
Xem thêm: Khóa học làm cha mẹ vui vẻ cùng Parent Coach – Tú Anh Nguyễn

3. Sức khỏe tâm lý – tinh thần: các rối loạn ngày càng xuất hiện nhiều và sớm hơn.

Tâm lý luôn tìm kiếm sự thỏa mãn ngay tức thì (instant gratification) là một trong những đặc điểm nhận diện của Gen Z và Gen Alpha.
Sự thỏa mãn của cảm giác chiến thắng liên tục khi chơi game điện tử, kết nối trong tích tắc để tìm kiếm thông tin bằng Internet tốc độ 5G (so với thế hệ 8X ngày xưa phải chờ đợi để được dial-up), các chương trình giải trí phim ảnh có thể truy cập và xem bất kỳ lúc nào (thay vì phải chờ lịch phát sóng của nhà đài như ngày xưa)… là các yếu tố góp phần hình thành các khẩu hiệu sống của giới trẻ như: YOLO (you live only once – bạn chỉ sống một lần trong đời), FOMO (fear of missing out – sợ bị lạc hậu), hay thậm chí NOTOMO (no tomorrow – sống như không có ngày mai).
Lối suy nghĩ này nếu kéo dài có thể dẫn đến tâm lý bất an cho giới trẻ, vì cảm thấy tương lai vô định hoặc thiếu mục tiêu để phấn đấu và cố gắng.
Với việc sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên và liên tục, trẻ em ngày nay đứng trước nhiều nguy cơ mắc các vấn đề rối loạn về tâm lý và cảm xúc, gặp khó khăn trong việc điều tiết và kiểm soát hành vi…
Theo báo cáo của CDC vào tháng 3/2020, trung bình cứ mỗi 54 trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán có mắc phổ tự kỷ. Đây là một tỉ lệ vô cùng cao, và tăng nhiều dần qua từng năm.
Thách thức thứ ba của các bậc cha mẹ đó chính là làm sao có thể đồng hành và hỗ trợ con phát triển sức khỏe tâm lý khỏe mạnh nhất? Hệ thống y tế nước ta khi nào mới có thể hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ đặc biệt trên phạm vi toàn cộng đồng, và xa hơn là được miễn phí?

4. Cảm xúc – Xã hội: Làm sao để dạy và giúp con duy trì những kỹ-năng-con-người?

Việc mua bán (shopping online) giờ đây diễn ra phần lớn là qua tương tác với màn hình; giới trẻ hiện đại giao tiếp và tương tác với nhau vô cùng hào hứng trên mạng xã hội, dù là có khi đang ngồi cùng một bàn với nhau.
Có thể nói, chúng ta ngày càng dễ dàng kết nối với nhau hơn (trên MXH), nhưng cũng đồng nghĩa với việc các thiết bị điện tử và MXH đang góp phần giúp chúng ta ngắt kết nối (với thực tại và với các mối quan hệ offline) nhanh hơn.
Ashley chia sẻ với kênh tin Good Morning America: “Thế hệ Alpha là những đứa trẻ ra đời khi mà các thiết bị di động đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Giờ đây, khi cần dỗ một đứa trẻ nín khóc, có thể cha mẹ sẽ không cần dùng đến lục lạc, hay chùm chìa khóa leng keng, mà họ sẽ với lấy ngay một chiếc smart phone hoặc máy tính bảng cho con xem.”
Duy trì cảm xúc giữa cha mẹ với con cái
Duy trì cảm xúc giữa cha mẹ với con cái
Nếu bạn đã từng nghe ai đó nói rằng: “nhà này có “bảo mẫu” Youtube và iPad giúp trông trẻ hiệu quả lắm”, hãy hiểu rằng nanny-robot (bảo mẫu robot) không còn là chuyện viễn tưởng của tương lai. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, những con robot xinh xắn có tên Care Bear hay iPal đang giúp các phụ huynh trông giữ các em bé nhỏ. Những con robot trông trẻ biết hát ca, nhảy múa, trò chuyện với trẻ, có cả màn hình cảm ứng để cha mẹ có thể nói chuyện, gọi điện và tương tác với con. Trong các hộ gia đình hiện đại, việc một đứa trẻ mẫu giáo lớn thỉnh thoảng đưa ra yêu cầu cho trợ lý ảo “Hey Siri”, “Hey Google”… cũng không còn quá xa lạ nữa.
Năm 2017, IEEE (tổ chức công nghệ chuyên nghiệm lớn nhất thế giới) đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát 600 phụ huynh trẻ thế hệ Milleniums, 40% số người được hỏi rất cởi mở với ý tưởng có một bảo mẫu robot để thay thế hoặc bổ sung cho bảo mẫu người thật tại nhà.
Xem thêm: Khóa học làm cha mẹ vui vẻ bạn không nên bỏ qua

5. Chúng Ta Có Thể Chuẩn Bị Cho Con Những Gì

Trong bản báo cáo chuyên ngành giáo dục vào năm 2016 mang tên “New Vision for Education” (Tầm nhìn mới cho Giáo dục), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (The World Economic Forum) đã vô cùng nhấn mạnh vào việc cần phải dạy cho trẻ kỹ năng Cảm xúc – Xã hội (SEL – social and emotional learning).
Bản báo cáo này đã liệt kê ra 16 kỹ năng trọng yếu, phân ra thành 3 nhóm kỹ năng chính, mà trẻ cần học để có thể học hỏi và thành công trong thế kỷ 21:
– Học vấn nền tảng (những kỹ năng cốt lõi để vận hành cuộc sống): Đọc – Viết, Toán học, Khoa học, Công nghệ & Thông tin, Tài chính, Văn hóa & Công dân
– Năng lực cá nhân (những kỹ năng để xử lý các thử thách không mong đợi): Tư duy phản biện – Giải quyết vấn đề, Sự sáng tạo, Giao tiếp, Hợp tác
– Phẩm chất tính cách (để thích ứng với những thay đổi vần vũ của thế giới): Tính hiếu kỳ, Tính tiên phong, Sự bền bỉ – Kiên trì, Khả năng thích ứng, Khả năng lãnh đạo, Nhận thức về Văn hóa – Xã hội.
Có thể nói rằng, thách thức lớn nhất khi làm cha mẹ của thế hệ Alpha, đó là chúng ta vừa phải liên tục trau dồi bản thân, tìm hiểu những kiến thức mới, và không ngừng “upgrade” theo công nghệ và kỹ thuật số, để có thể vững vàng trong vị trí đầu tàu định hướng đúng đắn cho những đứa trẻ tinh nhuệ sinh ra trong giai đoạn 2010-2024 này.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRIPLE P

  • TRIPLE P – Positive Parenting Programs: Hệ thống các chương trình can thiệp được sáng lập bởi TS. Tâm lý Matt Sanders, đại học Queensland (Úc), được Liên Hiệp Quốc bình chọn là 1 trong những chương trình điều chỉnh hành vi cha mẹ – con cái hiệu quả nhất.
  • Cô Tú Anh là nhà thực hành được chứng nhận từ Triple P (Accredited Triple P Provider) ở tất cả các Level 2, 3, 4, 5, cung cấp các chương trình can thiệp dành cho cha mẹ từ giai đoạn mang thai cho đến con ở tuổi Teen; giải quyết các vấn đề rối nhiễu ở hành vi của trẻ, kỷ luật hiệu quả, hỗ trợ trẻ có rối loạn lo âu, rối loạn phát triển và các vấn đề khi cha mẹ mâu thuẫn – chia tay. Các chương trình thường kéo dài từ 4-8 buổi.
facebook-icon