Sự kỷ luật trong nuôi dạy con là điều cần thiết, trẻ em cần phải nhận được sự mong đợi và kỳ vọng. (Đừng nói rằng: “Con tôi muốn lớn lên thế nào cũng được, vui là được!” – con CẦN biết cha mẹ mong đợi gì ở con). Bạn có biết, những đứa trẻ của chúng ta luôn cần phải biết rằng vị trí của bản thân trẻ ở đâu trong mọi tình huống hàng ngày của cuộc sống. Chúng cần biết về luật lệ và quy tắc. Kỷ luật là nền tảng, là gốc rễ, để tạo cho trẻ cảm giác chắc chắn và yên tâm rằng cuộc đời quanh trẻ là dễ đoán trước.
Hãy hình dung dễ hiểu về phép tắc và kỷ cương như đèn giao thông. Đèn đỏ = Dừng lại và Đèn xanh = Đi tiếp, là một thông điệp toàn cầu, được áp dụng ở tất cả mọi nơi, và chúng ta tuân theo không chút mảy may bối rối. Nếu có một nơi nào đó mà Đèn xanh = Dừng lại và Đèn đỏ = Đi tiếp, hẳn chúng ta sẽ rất bối rối khi thích ứng với sự không nhất quán này.
Ngay từ khi sinh ra, cha mẹ đã thiết lập không gian cuộc sống cho trẻ, nói rộng ra là mô phỏng một xã hội thu nhỏ ngay từ trong gia đình.
“Kỷ luật” có nhiều nghĩa khác nhau, cả theo từ điển và theo suy nghĩ của mọi người. Có người xem đó là hình phạt, trừng trị hoặc là một hệ thống quy tắc và “thưởng – phạt phân minh”. Hãy thử nghĩ về “kỷ luật” như là một khế ước xã hội, là một biên bản thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình cùng đồng ý chấp nhận tuân theo một bộ quy tắc cụ thể.
Có không ít bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn và bị thử thách khi nói đến việc “kỷ luật”, hoặc khi phải đối diện với việc điều chỉnh hành vi và cách cư xử của con. Có người thì cảm thấy như đó là một cuộc chiến tranh giành chứng tỏ quyền lực. Có người thì cảm thấy nặng nề như thể họ đang kiểm soát và chế ngự một đứa trẻ, và vô tình làm phá hủy ý chí và sự tự do của đứa trẻ ấy. Thật ra, kỷ luật không phải là như vậy.
Cần phải có và duy trì kỷ luật – kỷ cương – phép tắc vì nó phục vụ thực tế cuộc sống xã hội. Thiếu kỷ luật, ít mong đợi, không đặt ra kỳ vọng… không phải là điều tốt, đó gần như là sự lơ là, hoặc tệ hơn là bỏ mặc (“con muốn ra sao thì ra”)
Cha mẹ có thể cảm thấy cực kỳ khó khăn, đau lòng khi phải kỷ luật con. Rõ ràng khi ta nói: “Thôi được, con muốn làm gì thì làm”, tình huống sẽ dễ dàng và thoải mái hơn. Nhưng, về lâu về dài, trẻ sẽ ra sao?
Sự cứng rắn khi dạy con cái là điều cần thiết
Xêm thêm: Tức Giận – Hung Hăng
1. SỰ KỶ LUẬT TRONG NUÔI DẠY CON VÀ KỲ VỌNG THỰC TẾ
Có một quan điểm sai lầm một vài bậc cha mẹ thường hay nhắc đến, đó là: “tôi muốn con lớn lên luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc”. Đó là một kỳ vọng không thực tế tí nào. Trong cuộc sống này, có những ham muốn bản năng và những nguyện vọng riêng tư mà chúng ta không thể có được ngay lập tức, hoặc mãi mãi chẳng bao giờ đạt được. Cuộc sống là sự kết hợp của những nỗi đau và niềm vui.
Trẻ nhỏ khóc khi chúng không có được thứ chúng muốn. Người lớn đôi khi vì không thể “chịu đựng” được tiếng khóc hay nước mắt của trẻ nhỏ, hoặc không nỡ lòng từ chối nên thường thỏa hiệp và chiều chuộng mọi đòi hỏi của con. Với mục đích cố gắng giữ cho con luôn vui vẻ (và không khóc). Nhưng, đó không phải là thực tế cuộc sống. Thực tế cuộc sống là việc đạt được mục tiêu hay thành công thường phải đi cùng sự nỗ lực, đấu tranh và đôi khi là cả đau đớn. Đó là thực tế cuộc sống. Và đừng để trẻ phát hiện ra sự thật này khi đã quá muộn màng. Đừng che chở, nâng niu và bảo bọc con một cách thiếu thực tế, vì khi lớn lên, chúng có thể cảm thấy khó khăn và sợ hãi khi phải đương đầu với thử thách.
Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức chẳng thể trở nên hạnh phúc hơn, bởi vì chúng hiếm khi nhận được phản hồi trung thực và trực tiếp từ cha mẹ. Đôi khi những bậc cha mẹ này vô tình trở thành bỏ bê và cẩu thả trong việc dạy con.
Tất cả vì sự trưởng thành của con cái
2. NÓI “KHÔNG”
Cha mẹ thường cảm thấy không dễ dàng khi phải thường xuyên nói “KHÔNG”, hoặc ngược lại, nói “KHÔNG” quá thường xuyên và liên tục.
Một môi trường sống đầy mâu thuẫn, bất nhất, cảm giác tội lỗi đan xen với rất nhiều bối rối của cha mẹ thường được lũ trẻ nhận biết, tiếp thu và “thao túng” nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc. Lũ trẻ dường như có giác quan thứ sáu cho những tình huống đó.
Sự mâu thuẫn (dù là trong tư tưởng) từ cha mẹ sẽ tạo ra những phản ứng khó chịu ở trẻ. Vì vậy, hãy biết rõ điều gì là quan trọng, cho cả bạn và cho trẻ. Cần có thứ tự ưu tiên, và thống nhất về những điều gì là không thể thỏa hiệp trong việc dạy con. Càng thiếu rõ ràng, thì sự phản đối của trẻ sẽ càng kéo dài – điều này chỉ khiến cho cha mẹ ngày càng tức giận hơn. Xung đột từ đó sẽ ngày càng leo thang.
Trẻ em cần kỷ luật, nề nếp và phép tắc. Hãy rõ ràng. Hãy trung thực. Khi cha mẹ nói “Không”, hãy kiên quyết và giữ vững lập trường. Hãy nói “Không” rõ ràng thể hiện qua cả nét mặt và ngôn ngữ hình thể.
Việc giữ vững lập trường cũng rất cần lưu ý
3. BÀI HỌC VỀ SỰ KỶ LUẬT TRONG NUÔI DẠY CON
Một khi những bài học về kỷ luật được học, được “thu nạp” vào, trẻ sẽ bắt đầu “thấm nhuần” và dần phát triển được khả năng tự học – tự điều tiết – tự kiểm soát bản thân. Thậm chí, con sẽ nhận biết và hiểu rằng có những mong muốn không phải lúc nào cũng tốt cho bản thân hoặc người khác, và cần chấp nhận sự thật đó.
Nề nếp, phép tắc, và khi mọi việc dễ dàng được đoán trước – là những yếu tố góp phần vào việc nuôi dạy và yêu thương con cái một cách có trách nhiệm. Chúng ta có thể cho con sự tự do, nhưng đó là tự do trong khuôn khổ.
– Tú Anh Nguyễn, lược dịch từ Chương 24. Discipline: Clarifying the Goal, sách Dear Parent: Caring for Infants with Respect
Tu-Anh Nguyen (M.A. Psych)
Ncs Tiến sĩ Tâm lý Nhi
Parent-Child Counselor
Parent Educator from Happy Parenting