Chuyên môn của mình trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em không nghiên cứu chuyên sâu về mảng phát triển song ngữ và đa ngữ. Nhưng, mình có 2 bé, và mình cũng có nhu cầu muốn con phát triển song ngữ, và cần phải có cách dạy song ngữ cho trẻ theo – cách – đúng – đắn. Làm đúng, không dễ. Nên mãi đến giờ khi đã có được “hòm hòm” đủ thông tin, bản thân cảm thấy đã có được những câu trả lời thoả đáng, thì mình mới mạnh dạn biên bài này.
Trên các group nhiều PH thường hay hỏi về việc làm sao phát triển tiếng Anh cho con từ sớm, làm sao để cho con có được tiếng Anh “ngon lành” nhất để lớn lên con bắt kịp được thời đại toàn cầu hoá? Bên cạnh đó, mình có một group kín với rất nhiều “elite moms”, các gia đình có con học trường quốc tế dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, họ lại có một nỗi lo khá đau đầu: “Làm sao để duy trì tiếng Việt, chất lượng ngôn ngữ tiếng Việt con sử dụng trong giao tiếp hàng ngày, và cội nguồn văn hoá Việt Nam cho con?”
Có lẽ mọi người đã từng gặp nhiều bạn nhỏ Việt Nam (tầm tuổi pre-teen và teen) nói tiếng tây giỏi hơn tiếng ta, bị khó khăn khi phải diễn đạt ý tứ phức tạp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, từ đó dẫn đến việc ông bà bố mẹ lo lắng vì mất kết nối với con. Ngoài ra, cũng có nhiều bạn nhỏ tự nói rằng “Dù con da vàng, nhưng con “feel like White inside”.” – với mình thì nỗi lo lắng nào cũng là xác đáng. Mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh, và chúng ta cần có được thông tin đúng đắn.
Sau khi đi dự hội thảo về “Dạy trẻ song ngữ” chia sẻ bởi một thầy là Tiến sĩ Giáo dục, đồng thời là hiệu trưởng của một trường tiểu học song ngữ quốc tế Anh quốc. Thầy là người gốc Việt với mother tongue là English. Và đây là những đúc kết của mình sau buổi hôm nay để chia sẻ tới các phụ huynh.
Trẻ song ngữ / đa ngữ là như thế nào?
– Là một em bé phát triển và sử dụng thuần thục nhiều hơn 1 ngôn ngữ cùng 1 lúc: Bilingual & Biliterate. Bilingual là nói chuyện bằng 2 ngôn ngữ. Biliterate là biết ĐỌC và VIẾT và sử dụng thuần thục 2 ngôn ngữ cùng lúc.
– Trẻ song ngữ / đa ngữ là trẻ được tiếp cận và sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng lúc trong giai đoạn phát triển kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp (những năm đầu đời)
Cách dạy song ngữ cho trẻ đi đôi với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ
– Não bộ của một em bé sơ sinh có khả năng diệu kỳ có thể nhận biết được mọi âm thanh và mọi ngôn ngữ.
– Trong giai đoạn đầu đời, trẻ sơ sinh có khả năng tiếp nhận nhiều loại ngôn ngữ và phát âm.
– Qua những tương tác hàng ngày trong quá trình phát triển những năm đầu đời, mạng lưới nơron thần kinh trong não bộ sẽ đồng thời làm 2 việc: bồi đắp và tiêu biến. Những kết nối thần kinh được bồi đắp cho việc sử dụng ngôn ngữ (nghe, hiểu, tiếp nhận và 1-2 năm sau mới là biểu đạt) nào càng được sử dụng nhiều thì con sẽ càng trở nên thuần thục ngôn ngữ ấy. Và những gì không cần sử dụng đến thì sẽ tiêu biến đi, để giúp cho việc học hỏi của con được tập trung hơn.
– Ngôn ngữ không phải là một môn học, mà là một công cụ. Công cụ này giúp gì? Giúp giao tiếp, kết nối, tương tác, vui chơi, học hỏi và thu nạp thông tin kiến thức, để cho cuộc sống của trẻ được nâng tầm.
– Học nên là một việc không bao giờ dừng. Thuần thục nhiều ngôn ngữ, trẻ có thể có được niềm vui học hỏi trọn đời (life-long learning).
Trẻ phát triển ngôn ngữ như thế nào? Việc phát triển ngôn ngữ ở trẻ cần những điều kiện như sau:
– Độ tuổi và thời điểm được tiếp cận. Tất nhiên, độ tuổi nhỏ sẽ giúp trẻ thu nạp ngôn ngữ mới một cách tự nhiên hơn và nhanh chóng hơn (vì trẻ không khiên cưỡng, không chối từ, không sợ nói sai, không mắc cỡ…).
– Ngôn ngữ muốn được thuần thục, phải có bối cảnh sử dụng và luyện tập: nghe, lý luận, trao đổi, tương tác, trò chuyện một cách có chủ đích. Muốn con có song ngữ VN – EN, có lẽ cha mẹ phải có khả năng tâm tình, lý luận và cả cãi nhau với con hoàn toàn thuần thục bằng cả 2 ngôn ngữ?
– Trẻ nhỏ muốn học và thuần thục một ngôn ngữ, con cần dùng TỐI THIỂU 25-30% thời gian thức để sử dụng ngôn ngữ ấy.
– Ví dụ, mẹ muốn con phát triển thuần thục song ngữ, một ngày con ngủ 12 tiếng và thức 12 tiếng, thì con cần có 3-6 tiếng mỗi ngày sử dụng một ngôn ngữ cụ thể nào đó một cách có chủ đích và ý nghĩa (tiếng Việt hoặc tiếng Anh).
Cách dạy song ngữ cho trẻ đúng đắn của cha mẹ
– Nói giọng tiếng anh chuẩn phát âm Mỹ hay Anh không phải là yếu tố tiên quyết để quyết định việc “siêu” tiếng Anh.
– Có rất nhiều quốc gia và sắc tộc, màu da trên thế giới vẫn sử dụng tiếng Anh chính thống, cực siêu, nhưng họ không có phát âm chuẩn tiếng Anh / Mỹ (Singapore, Ấn Độ, Nam Phi, Hong kong….). Và cũng có rất nhiều người mắt xanh mũi cao da trắng tóc vàng không quá giỏi tiếng English. Và đây là điều chúng ta cần thống nhất.
– Trẻ sẽ học ngôn ngữ mới một cách dễ dàng, hiệu quả và thuần thục nhất, khi trẻ có một NỀN TẢNG NGÔN NGỮ MẸ ĐẺ VỮNG CHẮC (strong foundation of mother language).
– Một nền tảng ngôn ngữ vững chắc sẽ giúp con có một nền tảng tư duy vững chắc và thu nạp kiến thức tốt hơn, học và sử dụng ngôn ngữ mới cũng hiệu quả hơn khi con có nhận thức và tư duy tốt. Nhắc lại, ngôn ngữ chỉ là công cụ để giúp kết nối, giao tiếp và học hỏi.
* Đúc kết của mình là gì?
– Nếu con là con lai, có bố và mẹ với 2 quốc tịch khác nhau, hoặc gia đình đi định cư sống tại một đất nước khác, thì hoàn toàn hợp lý và thuận lợi khi con phát triển là một em bé song ngữ (Bilingual & Biliterate). Vì con có đủ mọi lý do, điều kiện cần và đủ để sử dụng cả 2 ngôn ngữ: môi trường sử dụng (ở nhà – ra xã hội, đi học), giao tiếp kết nối (với 2 bên gia đình nội ngoại 2 văn hóa), để biết con là ai (identity, con là một em bé lai)
– Nếu con là con thuần chủng, hãy giúp con giữ vững và củng cố cultural identity (bản sắc văn hóa dân tộc) của con. Con mình là con Việt Nam, và tiếng mẹ đẻ của con, là tiếng Việt Nam. Hãy cho con thuần thục tiếng Việt trước đã, nếu muốn con vẫn có thể nói chuyện, kết nối và chia sẻ với mình khi con 8-9-10 tuổi.
– Hãy tin mình đi, thế giới phẳng như thế này rồi và với biết bao nhiêu là thiết bị và ứng dụng, không có chuyện một đứa bé nào sẽ có thể “dở” tiếng Anh được.