Dạy Con Tích Cực: 0-1 Tuổi

CÁC ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Các kỹ năng như tập bước đi, lần đầu con mỉm cười, biết vẫy tay “bye-bye” được gọi là các mốc phát triển. Mốc phát triển là những điều đa số trẻ có thể làm được khi đến một độ tuổi nhất định. Cha mẹ có thể dạy con phát triển toàn diện và đạt được những cột mốc này bằng cách cùng chơi, hỗ trợ con học hỏi, giao tiếp, cư xử, và vận động (như trườn bò, đứng, hay nhảy).

 

Năm đầu đời, trẻ sơ sinh tập trung phát triển thị lực, vươn tay với, khám phá, và học hỏi bằng cách quan sát xung quanh. Khả năng nhận thức, hay sự phát triển não bộ, là quá trình học hỏi bằng cách ghi nhớ, ngôn ngữ, suy nghĩ, và lập luận. Phát triển ngôn ngữ không chỉ là phát ra âm thanh (ê a) hoặc nói “ma-ma” và “da-da”. Việc con có thể lắng nghe, hiểu lời nói, và biết tên mọi người và tên gọi đồ vật… cũng là một phần của phát triển ngôn ngữ. Vào giai đoạn này, trẻ sơ sinh phát triển những mối quan hệ gắn bó và tin tưởng với người thân – khởi đầu của kỹ năng xã hội và cảm xúc. Cách cha mẹ âu yếm, ôm ấp và chơi cùng con sẽ thiết lập nền tảng cho cách mà con sẽ tương tác xã hội sau này.

Sau đây là một vài việc mà cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con phát triển tối ưu trong giai đoạn này:
  • Trò chuyện với con. Giọng nói êm ái của cha mẹ có tác dụng xoa dịu và dỗ dành rất lớn.
  • Phản hồi khi con phát ra âm thanh, lặp lại những gì con “nói” và thêm câu chữ vào. Điều này sẽ giúp con học cách sử dụng ngôn ngữ.
  • Đọc sách cho con nghe để giúp con phát triển kỹ năng hiểu ngôn ngữ và phát âm.
  • Hát cho con nghe và chơi nhạc sẽ giúp con phát triển tình yêu cho âm nhạc và hỗ trợ việc phát triển não bộ.
  • Khen ngợi khích lệ con và dành cho con nhiều sự chú ý, yêu thương.
  • Dành thời gian thể hiện tình cảm sẽ giúp con cảm thấy được quan tâm, được chăm sóc và phát triển cảm giác an tâm.
  • Chơi đùa khi con tỉnh táo và thoải mái. Để ý kĩ con xem có dấu hiệu mệt mỏi hay quá sức thì có thể cho con nghỉ ngơi.
  • Khi con muốn di chuyển hay sờ chạm vào những nơi hoặc đồ vật không được phép, hãy đánh lạc hướng con bằng đồ chơi và đưa con đến khu vực khác an toàn hơn.
  • Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của bản thân. Nuôi dạy con có thể là một công việc tốn nhiều sức lực! Khi bạn chăm sóc tốt cho bản thân, bạn sẽ tận hưởng việc làm cha mẹ theo cách tích cực và tràn đầy yêu thương.

Khi gia đình có một thành viên mới là một đứa trẻ, hãy đảm bảo ngôi nhà bạn là một chốn an toàn. Hãy kiểm tra quanh nhà xem có gì có thể gây nguy hiểm cho con không. Là cha mẹ, việc của bạn là đảm bảo cho con một môi trường an toàn. Đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng về mặt tâm lý và tinh thần cho nhiệm vụ nuôi dạy và chăm sóc con. Sau đây là một số gợi ý về đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ:

  • Không bao giờ rung lắc con! Trẻ sơ sinh có cơ cổ rất yếu, chưa thể tự giữ ổn định phần đầu. Nếu rung lắc con, bạn có thể làm tổn thương não của bé, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
  • Đảm bảo luôn đặt con nằm ngửa khi cho con ngủ để đề phòng hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome – SIDS). Tìm hiểu thêm về những khuyến nghị về an toàn ngủ cho trẻ sơ sinh.
  • Bảo vệ trẻ và gia đình khỏi khói thuốc lá. Không được cho phép bất kỳ ai hút thuốc trong nhà và ở gần con.
  • Nếu di chuyển bằng ô tô, hãy đặt con trong ghế carseat ở băng sau, quay mặt về phía đuôi xe để đảm bảo an toàn tối đa cho con.
  • Đề phòng trẻ bị mắc nghẹn bằng cách chuẩn bị thức ăn đúng độ tuổi. Không cho con chơi với những đồ chơi hay đồ vật có kích thước nhỏ, dễ nuốt phải.
  • Không cho con chơi với những thứ có nguy cơ gây ngạt, che kín mặt con gây khó thở.
  • Không bao giờ bưng chất lỏng nóng hay nước sôi gần con hoặc khi đang bế con.
  • Vắc xin rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của con. Vì trẻ em có thể gặp những căn bệnh nghiêm trọng, việc cho con đi tiêm chủng đúng lịch trình là cần thiết. Hãy nói chuyện với bác sĩ của con bạn để đảm bảo con có đủ những mũi tiêm cần thiết.
  • Sữa mẹ cung cấp đủ những gì trẻ sơ sinh cần trong 6 tháng đầu đời. Vào giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi, con sẽ học về những mùi vị và cấu trúc thức ăn mới qua việc ăn dặm, nhưng sữa mẹ vẫn nên là nguồn dinh dưỡng chính.
  • Cho con ăn từ từ và kiên nhẫn, khuyến khích con thử những mùi và vị mới nhưng không ép buộc con, và để ý kĩ xem con còn đói không.
  • Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu việc nuôi con bằng sữa mẹ gây khó khăn cho bạn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn uy tín và có bằng cấp rõ rằng.
  • Cho con vận động. Con có thể chưa biết đi và chưa chạy nhảy được, nhưng con có thể làm nhiều thứ để chân tay được hoạt động khi thức và tỉnh táo. Hãy cho con xuống đất để học cách di chuyển, việc vận động này sẽ giúp con trở nên khỏe hơn, hỗ trợ cho quá trình học hỏi, và khám phá.
  • Hạn chế không cho con ngồi trên võng, xe đẩy, ghế nhún quá lâu.
  • Hạn chế thời gian nhìn vào màn hình thiết bị điện tử. Đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng tốt nhất là trẻ không sử dụng thiết bị nào, ngoại trừ khi gọi video nếu cần thiết.
  • Đảm bảo rằng con ngủ đủ giấc, đối với trẻ sơ sinh từ 4-12 tháng tuổi cần ngủ 12-16 tiếng / ngày 24 giờ (bao gồm cả ngủ trưa).

Nuôi Dạy Con Tích Cực

Phụ huynh có thể bấm vào từng độ tuổi tương ứng để tham khảo các đặc điểm phát triển và hướng dẫn nuôi dạy con tích cực.
Các nội dung được chuyển ngữ từ 
“Positive Parenting Tips” của CDC Hoa Kỳ.

CÁC CHƯƠNG TRÌNH TRIPLE P

  • TRIPLE P – Positive Parenting Programs: Hệ thống các chương trình can thiệp được sáng lập bởi TS. Tâm lý Matt Sanders, đại học Queensland (Úc), được Liên Hiệp Quốc bình chọn là 1 trong những chương trình điều chỉnh hành vi cha mẹ – con cái hiệu quả nhất.
  • Cô Tú Anh là nhà thực hành được chứng nhận từ Triple P (Accredited Triple P Provider) ở tất cả các Level 2, 3, 4, 5, cung cấp các chương trình can thiệp dành cho cha mẹ từ giai đoạn mang thai cho đến con ở tuổi Teen; giải quyết các vấn đề rối nhiễu ở hành vi của trẻ, kỷ luật hiệu quả, hỗ trợ trẻ có rối loạn lo âu, rối loạn phát triển và các vấn đề khi cha mẹ mâu thuẫn – chia tay. Các chương trình thường kéo dài từ 4-8 buổi.
facebook-icon