Dạy Con Tích Cực: 15-17 Tuổi

CÁC ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN
Đây là giai đoạn các thanh thiếu niên phát triển và thay đổi rõ rệt cách suy nghĩ, cảm nhận về bản thân và tương tác với mọi người. Trẻ gái đa phần đã dậy thì hoàn chỉnh, các trẻ trai thì vẫn đang trải qua giai đoạn thay đổi thể chất và dậy thì. Con có thể lo lắng về kích thước cơ thể, hình dáng hoặc cân nặng. Rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở trẻ em gái. Trong thời gian này, trẻ đang phát triển cá tính và quan điểm riêng. Mối quan hệ với bạn bè vẫn rất quan trọng, nhưng trẻ sẽ có những mối quan tâm khác khi phát triển ý thức rõ ràng hơn về bản thân. Đây cũng là thời điểm quan trọng để dạy trẻ sự độc lập và tinh thần trách nhiệm; nhiều thanh thiếu niên quan tâm đến việc làm thêm hoặc muốn tách ra ở riêng khi vào đại học.
Thay đổi về Cảm xúc – Xã hội:
- Quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ lãng mạn, hẹn hò và tình dục.
- Dần trở nên ít xung đột với cha mẹ hơn.
- Thể hiện sự độc lập hơn, tách dần khỏi cha mẹ.
- Có khả năng quan tâm, chia sẻ sâu sắc hơn và phát triển các mối quan hệ mật thiết hơn.
- Dành ít thời gian hơn cho cha mẹ và nhiều thời gian hơn cho bạn bè.
- Các rủi ro có thể xảy ra: buồn nhiều hoặc trầm cảm, có thể dẫn đến điểm thấp ở trường, sử dụng chất kích thích, quan hệ tình dục không an toàn, và những vấn đề khác.
Khả năng Suy nghĩ – Học hỏi:
- Học được thêm các thói quen và cách làm việc rõ ràng hiệu quả.
- Thể hiện sự quan tâm nhiều hơn về kế hoạch lên đại học và công việc trong tương lai.
- Có khả năng đưa ra các lý do tốt hơn cho các lựa chọn của riêng mình, hiểu được điều gì là đúng và sai.
DẠY CON TÍCH CỰC
Sau đây là một vài việc mà cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con phát triển tối ưu trong giai đoạn này:
- Trò chuyện với con về các mối quan tâm của con và chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong hành vi của con. Quan sát xem con có ý định tự làm đau bản thân không, đặc biệt nếu con thường xuyên tỏ ra buồn bã hoặc chán nản. Khéo léo hỏi về những việc này không đồng nghĩa với việc khơi gợi cho con về những chuyện ấy, mà nó sẽ cho con biết rằng cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của con. Tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà chuyên môn tâm lý nếu cần thiết.
- Thể hiện sự quan tâm đến các sở thích và hoạt động ngoại khóa và trường học của con, đồng thời khuyến khích con tham gia vào các hoạt động như thể thao, âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật.
- Thể hiện sự quan tâm đến các sở thích và hoạt động ngoại khóa và trường học của con, đồng thời khuyến khích con tham gia vào các hoạt động như thể thao, âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật.
- Khuyến khích con đi tình nguyện và tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
- Khen ngợi con và ăn mừng những nỗ lực và thành tích của con.
- Thể hiện tình cảm khéo léo với con. Dành thời gian cùng con làm những điều cả gia đình đều thích.
- Tôn trọng ý kiến của con. Lắng nghe con mà không chỉ trích hay hạ thấp mối quan tâm của con.
- Khuyến khích con tự phát triển được những giải pháp cho các vấn đề cá nhân hoặc xung đột. Giúp con học cách đưa ra quyết định đúng đắn. Tạo cơ hội để con sử dụng phán đoán của riêng mình, đồng thời sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ.
- Nếu con tham gia mạng xã hội, game online…, hãy khuyến khích con đưa ra quyết định đúng đắn về những gì con đăng và lượng thời gian con dành cho những hoạt động này.
- Nếu con đi làm thêm, hãy tận dụng cơ hội để nói về những kỳ vọng, trách nhiệm và những cách thể hiện việc cư xử tôn trọng ở nơi công cộng.
- Trò chuyện với con và giúp con lên kế hoạch trước cho những tình huống khó khăn hoặc không thoải mái mà con có thể gặp phải ở xã hội. Thảo luận về những gì con có thể làm nếu ở cùng nhóm bạn và có người sử dụng chất kích thích, hoặc quan hệ tình dục…
- Tôn trọng nhu cầu riêng tư của con.
Khuyến khích con ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn và ăn những bữa ăn lành mạnh, cân bằng.
ĐẢM BẢO AN TOÀN
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn cho con – bất kể con bao nhiêu tuổi. Sau đây là một số cách cha mẹ có thể làm để giúp bảo vệ con:
- Đảm bảo con hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia giao thông an toàn.
- Đảm bảo rằng con đội mũ bảo hiểm khi đạp xe, chơi ván trượt hoặc patin, lái xe máy hoặc xe địa hình, hoặc chơi những môn thể thao có va chạm. Chấn thương do thể thao và các hoạt động khác rất phổ biến trong độ tuổi này.
- Nói chuyện với con về các vấn đề làm đau bản thân, kể cả tự tử và chú ý đến các dấu hiệu từ con.
- Trò chuyện chân thành với con về sự nguy hiểm của chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, và những hoạt động tình dục mạo hiểm. Hỏi con những gì con biết và suy nghĩ về những vấn đề này, và chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận của cha mẹ cho con nghe. Lắng nghe những gì con nói, và trả lời những câu hỏi của con một cách thành thật và thẳng thắn.
- Nói chuyện với con về tầm quan trọng của việc có bạn bè quan tâm vào các hoạt động bổ ích. Khuyến khích con tránh xa những bạn đồng trang lứa mà bắt ép con phải có những lựa chọn không lành mạnh.
- Biết con đang ở đâu, và có người lớn ở đó không. Lên kế hoạch với con về thời gian con sẽ gọi cho cha mẹ khi con đi ra ngoài, nơi cha mẹ có thể tìm con, và giờ cha mẹ muốn con có mặt ở nhà.
- Có những quy tắc rõ ràng cho con khi con ở nhà một mình. Thảo luận về những vấn đề như khi bạn bè đến nhà chơi, cách xử lý những tình huống có thể nguy hiểm (tình huống khẩn cấp, cháy nổ, có chất kích thích, tình dục, v.v…) và việc hoàn thành bài tập về nhà hoặc việc nhà.
ĐẢM BẢO SỨC KHỎE
- Khuyến khích con ngủ đủ giấc và hoạt động thể chất thường xuyên, ăn uống cân bằng, lành mạnh. Đảm bảo rằng con hoạt động thể chất từ 1 giờ trở lên mỗi ngày.
- Không để tivi trong phòng ngủ của con. Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình, bao gồm điện thoại di động, máy tính, trò chơi điện tử, và những thiết bị khác, và xây dựng một kế hoạch sử dụng thiết bị công nghệ cho gia đình
- Khuyến khích con dùng bữa cùng gia đình. Ăn cùng nhau sẽ giúp con đưa ra những lựa chọn tốt hơn về thực phẩm, giúp duy trì cân năng lành mạnh và giúp các thành viên trong gia đình có thời gian trò chuyện với nhau. Ngoài ra, thanh thiếu niên dùng bữa cùng gia đình có nhiều khả năng có kết quả học tập tốt hơn, và giảm nguy cơ sử dụng chất kích thích, ít vướng phải rắc rối xã hội.
- Đảm bảo rằng con ngủ đủ giấc mỗi đêm: trẻ từ 13-18 tuổi cần 8-10 tiếng / ngày 24 giờ (bao gồm cả ngủ trưa nếu có).
Phụ huynh có thể bấm vào từng độ tuổi tương ứng để tham khảo các đặc điểm phát triển và hướng dẫn nuôi dạy con tích cực. Các nội dung được chuyển ngữ từ “Positive Parenting Tips” của CDC Hoa Kỳ.

Từ 0-1 tuổi
Mỗi trẻ em là một cá thể độc lập, và có một tốc độ phát triển riêng biệt. Tuy nhiên, sự phát triển bình thường của trẻ sẽ đi theo một xu hướng có thể đoán trước, được gọi là các Mốc Phát Triển. Phát triển toàn diện phải bao gồm 4 mảng: Thể chất, Nhận thức, Giao tiếp và Tình cảm - Xã hội.

Từ 1-2 tuổi
Trong năm thứ 2, trẻ toddler chập chững học cách di chuyển nhiều hơn, có nhận thức tốt về bản thân và môi trường xung quanh. Con có nhu cầu khám phá về mọi người và mọi vật nhiều hơn. Trong giai đoạn này, trẻ toddler thể hiện sự độc lập nhiều hơn vì con đã khó khả năng tự di chuyển và làm được nhiều thứ, hành vi phản kháng vì thế cũng gia tăng. Con biết nhận ra mình trong gương và triong hình ảnh, biết bắt chước hành động của người khác. Trẻ toddler cũng biết nhận diện tên gọi của người thân và những món đồ quen thuộc, biết nói những câu đơn giản, hiểu và biết làm theo những hiệu lệnh và yêu cầu đơn giản.

Từ 2-3 tuổi
Do trẻ ngày càng mong muốn được thể hiện độc lập nên giai đoạn này thường được gọi là “khủng hoảng tuổi lên 2 – 3”. Tuy nhiên, đâylà một giai đoạn thú vị cho cha mẹ và trẻ mầm non. Trẻ toddler mầm non sẽ trải qua những thay đổi to lớn về tư duy, học hỏi, kỹ năng xã hội và cảm xúc để giúp chúng khám phá thế giới theo góc nhìn mới và hiểu được ý nghĩa của nó. Trong giai đoạn này, trẻ toddler có thể làm theo chỉ dẫn bao gồm hai hoặc ba bước, sắp xếp đồ vật theo hình dạng và màu sắc, bắt chước hành động của người lớn và bạn bè, và thể hiện nhiều loại cảm xúc đa dạng.

Từ 3-5 tuổi
Khi trẻ bước vào độ tuổi mẫu giáo, thế giới của con sẽ bắt đầu được mở rộng ra. Trẻ sẽ trở nên tự lập hơn và bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những người lớn và trẻ em khác ngoài gia đình. Con sẽ muốn khám phá và đặt câu hỏi nhiều hơn về mọi việc xung quanh. Tương tác giữa trẻ với gia đình và mọi người sẽ giúp định hình tính cách, suy nghĩ và hành vi của con. Trong giai đoạn này, trẻ có thể đạp xe ba bánh, sử dụng kéo an toàn, nhận biết sự khác biệt giữa bạn nam và bạn nữ, tự mặc – cởi đồ, chơi với trẻ khác, kể lại một phần câu chuyện, biết hát.

Từ 6-8 tuổi
Giai đoạn này mang đến nhiều thay đổi trong cuộc sống của trẻ. Giai đoạn này, trẻ đã tự biết thay quần áo, bắt quả bóng một cách dễ dàng, hoặc biết cột dây giày thuần thục. Việc khẳng định sự độc lập dần trở nên quan trọng hơn. Những sự kiện lớn như vào tiểu học cho trẻ cơ hội tiếp cận một thế giới rộng mở hơn. Tình bạn trở nên ngày càng quan trọng. Các kĩ năng thể chất, xã hội, và tư duy phát triển nhanh trong giai đoạn này. Đây là thời điểm quan trọng để trẻ phát triển sự tự tin ở mọi khía cạnh của cuộc sống, thông qua quan hệ bạn bè, trường lớp, hay các môn thể thao.

Từ 9-11 tuổi
Trẻ mong muốn được trở nên tự chủ, tách khỏi gia đình, và các quan tâm đến bạn bè trở nên rõ ràng hơn. Có được tình bạn lành mạnh rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, áp lực đồng trang lứa (peer pressure) có tác động đáng kể. Những trẻ có cảm nhận tốt về bản thân thường có khả năng chống lại các áp lực đồng trang lứa tiêu cực, và có khả năng tự đưa ra những lựa chọn tốt. Đây là giai đoạn quan trọng để trẻ học về tinh thần trách nhiệm, khi trẻ muốn có thêm tự do. Một số bé gái đã bắt đầu có những thay đổi về thể chất. Một thay đổi lớn mà trẻ cần được chuẩn bị trong giai đoạn này là việc bắt đầu vào Cấp 2.

Từ 12-14 tuổi
Giai đoạn này trẻ có nhiều thay đổi về thể chất, tinh thần, cảm xúc và xã hội. Nội tiết tố thay đổi khi tuổi dậy thì bắt đầu. Hầu hết các bé trai đều mọc râu và lông mu và giọng trầm hơn. Hầu hết các bé gái đều mọc lông mu và ngực phát triển, đồng thời bắt đầu có kinh nguyệt. Con có thể lo lắng về những thay đổi này và cách người khác nghĩ về con. Đây cũng sẽ là thời điểm mà con có thể phải đối mặt với áp lực từ bạn bè trong việc thử thuốc lá, chất kích thích cũng như quan hệ tình dục. Những thách thức khác có thể là rối loạn ăn uống, trầm cảm và các vấn đề gia đình. Ở độ tuổi này, thanh thiếu niên có nhiều lựa chọn hơn về bạn bè, thể thao, học tập và trường học. Chúng trở nên độc lập hơn, có cá tính và sở thích riêng, mặc dù cha mẹ vẫn rất quan trọng.

Từ 15-17 tuổi
Đây là giai đoạn các thanh thiếu niên phát triển và thay đổi rõ rệt cách suy nghĩ, cảm nhận về bản thân và tương tác với mọi người. Trẻ gái đa phần đã dậy thì hoàn chỉnh, các trẻ trai thì vẫn đang trải qua giai đoạn thay đổi thể chất và dậy thì. Con có thể lo lắng về kích thước cơ thể, hình dáng hoặc cân nặng. Rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở trẻ em gái. Trong thời gian này, trẻ đang phát triển cá tính và quan điểm riêng. Mối quan hệ với bạn bè vẫn rất quan trọng, nhưng trẻ sẽ có những mối quan tâm khác khi phát triển ý thức rõ ràng hơn về bản thân. Đây cũng là thời điểm quan trọng để dạy trẻ sự độc lập và tinh thần trách nhiệm; nhiều thanh thiếu niên quan tâm đến việc làm thêm hoặc muốn tách ra ở riêng khi vào đại học.