Dạy Con Tích Cực: 9-11 Tuổi
CÁC ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN
Trẻ mong muốn được trở nên tự chủ, tách khỏi gia đình, và các quan tâm đến bạn bè trở nên rõ ràng hơn. Có được tình bạn lành mạnh rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, áp lực đồng trang lứa (peer pressure) có tác động đáng kể. Những trẻ có cảm nhận tốt về bản thân thường có khả năng chống lại các áp lực đồng trang lứa tiêu cực, và có khả năng tự đưa ra những lựa chọn tốt. Đây là giai đoạn quan trọng để trẻ học về tinh thần trách nhiệm, khi trẻ muốn có thêm tự do. Một số bé gái đã bắt đầu có những thay đổi về thể chất. Một thay đổi lớn mà trẻ cần được chuẩn bị trong giai đoạn này là việc bắt đầu vào Cấp 2.
Thay đổi về Cảm xúc – Xã hội:
- Bắt đầu có những tình bạn gắn kết hơn, phức tạp hơn, và có những mối quan hệ đồng trang lứa. Việc có bạn bè trở nên quan trọng về mặt cảm xúc hơn, nhất là bạn cùng giới.
- Trải nghiệm nhiều áp lực đồng trang lứa hơn.
- Nhận thức rõ hơn về cơ thể của mình khi tuổi dậy thì đến gần. Những vấn đề về hình ảnh cơ thể và các vấn đề về ăn uống đôi khi bắt đầu ở độ tuổi này.
Khả năng Suy nghĩ – Học hỏi:
- Có thể gặp nhiều thách thức trong việc học ở trường hơn.
- Trở nên độc lập, tự chủ hơn khỏi gia đình.
- Bắt đầu nhìn nhận được quan điểm của người khác rõ ràng hơn.
- Có khả năng tập trung cao hơn.
Sau đây là một vài việc mà cha mẹ có thể làm để hỗ trợ con phát triển tối ưu trong giai đoạn này:
- Dành thời gian với con. Nói chuyện với con về bạn bè, những thành tựu của con, và những thách thức con gặp phải.
- Kết nối và tham gia vào những hoạt động ở trường lớp của con. Tham dự những sự kiện trong trường; gặp gỡ thầy cô của con.
- Khuyến khích con tham gia vào các hội nhóm ở trường và cộng đồng, như là các đội thể thao, hoặc làm tình nguyện viên cho các hoạt động từ thiện.
- Giúp con phát triển khả năng tự biết phân biệt đúng – sai. Nói chuyện với con về những hoạt động mạo hiểm mà bạn bè có thể ép con làm, như là thử hút thuốc hoặc những thách thức rủi ro nguy hiểm.
- Giúp con phát triển tinh thần trách nhiệm – cho con tham gia giúp đỡ việc nhà như lau dọn và nấu nướng. Nói chuyện với con về việc tiết kiệm và sử dụng tiền hợp lý.
- Gặp gỡ gia đình của bạn bè con.
- Nói chuyện với con về việc tôn trọng người khác. Khuyến khích con giúp đỡ những người gặp khó khăn. Nói với con về những gì nên làm khi người khác có hành vi xấu hoặc không tôn trọng.
- Giúp con đặt ra mục tiêu cho bản thân. Khuyến khích con nghĩ về những kỹ năng và khả năng mà con muốn có, và cách làm sao để phát triển chúng.
- Làm rõ những quy tắc và thực hiện một cách nhất quán. Nói với con về những hành vi mà cha mẹ mong đợi con sẽ làm được kể cả khi không có người lớn nào ở gần. Nếu cha mẹ đưa ra được những lý do đằng sau các quy tắc, con sẽ hiểu được những gì cần làm trong hầu hết các trường hợp.
- Sử dụng các hình thức kỷ luật tích cực với mục tiêu là để hướng dẫn và bảo vệ con, thay vì áp dụng trừng phạt để con cảm thấy tồi tệ về bản thân.
- Khi khích lệ con, hãy giúp con nghĩ về những thành tựu của chính mình. Hãy nói “Con chắc hẳn đang tự hào về bản thân lắm” thay vì “Mẹ rất tự hào về con” – có thể khuyến khích con đưa ra những lựa chọn đúng đắn, kể cả khi không có ai ở bên để khen ngợi con.
- Nói với con về những thay đổi bình thường về thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì.
- Khuyến khích con đọc sách mỗi ngày. Nói chuyện với con về bài tập về nhà.
- Hãy thể hiện tình cảm chân thành với con, và hãy làm nhiều việc cùng nhau như một gia đình.
Với nhiều khả năng vận động và được độc lập nhiều hơn, con có thể gặp nhiều rủi ro như bị thương hay bị té ngã hay dễ gặp chấn thương nếu không cản thận.
- Đảm bảo an toàn cho con khi sử dụng các phương tiện giao thông.
- Hãy biết vị trí của con khi con không ở nhà, và cần biết liệu có người lớn chịu trách nhiệm nào có mặt không. Hãy lên kế hoạch với con về khi nào con sẽ gọi điện thoại cho cha mẹ, nơi cha mẹ có thể tìm con, và giờ mà cha mẹ muốn con có mặt tại nhà.
- Đảm bảo rằng con đội mũ bảo hiểm khi đạp xe, chơi ván trượt hoặc patin, lái xe máy hoặc xe địa hình, hoặc chơi những môn thể thao có va chạm.
- Đa phần trẻ sẽ về nhà trước khi bố mẹ đi làm về. Hãy có những quy tắc và kế hoạch rõ ràng để đảm bảo an toàn khi con ở nhà một mình.
- Cung cấp nhiều trái cây và rau củ con con; hạn chế những thức ăn có hàm lượng chất béo, đường, muối cao, và hãy chuẩn bị những thức ăn lành mạnh cho bữa cơm gia đình.
- Không để tivi trong phòng ngủ của con. Hạn chế thời gian ngồi trước màn hình và xây dựng một kế hoạch sử dụng thiết bị công nghệ cho gia đình.
- Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi, thú vị và đa dạng ít nhất 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Đảm bảo rằng con tham gia đủ 3 loại hoạt động: hoạt động làm tăng nhịp tim như chạy bộ, hoạt động làm săn chắc cơ như leo núi, và hoạt động làm chắc khỏe xương như nhảy dây – ít nhất 3 lần 1 tuần.
- Đảm bảo rằng con ngủ đủ giấc mỗi đêm: trẻ từ 6-12 tuổi cần ngủ 9-12 tiếng / ngày 24 giờ (bao gồm cả ngủ trưa nếu có).
Nuôi Dạy Con Tích Cực
Phụ huynh có thể bấm vào từng độ tuổi tương ứng để tham khảo các đặc điểm phát triển và hướng dẫn nuôi dạy con tích cực.
Các nội dung được chuyển ngữ từ “Positive Parenting Tips” của CDC Hoa Kỳ.